Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP Việt Nam năm 2020 ước tính sẽ đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore với 337,5 tỷ USD; Malaysia với 336,3 tỷ USD. Điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực Đông Nam Á.
Ngày 13/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố bản cập nhật mới của Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020. Theo đó, Việt Nam tiếp tục là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng dương năm nay, ở mức 1,6% và đến năm 2021, con số này sẽ đạt 6,7%.
Bên cạnh đó, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Philippines từ mức -3,6% vào tháng 6 xuống -8,3%. Điều này khiến Philippines là quốc gia có mức sụt giảm GDP dự kiến sâu nhất năm nay trong số các nước ASEAN-5. Theo sau là Thái Lan với -7,1%; Malaysia với -6% và Indonesia với -1,5%.
IMF dự báo trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, vượt Singapore và Malaysia. Cụ thể, GDP Việt Nam năm 2020 ước tính sẽ đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore với 337,5 tỷ USD; Malaysia với 336,3 tỷ USD. Trong khi đó, GDP Thái Lan trong năm nay sẽ đạt 509,2 tỷ USD; Philippines 367,4 tỷ USD; Indonesia 1.088,8 tỷ USD.
Đối với GDP đầu người, IMF dự báo GDP đầu người Việt Nam đứng thứ 6 trong ASEAN, đạt 3.497 USD/người vào năm 2020, đứng trước Philippines (3.372 USD/người), Lào (2.567 USD/người), Cambodia (1.572 USD/người) và Myanmar (1.332 USD/người).
Nhìn chung, dự báo tăng trưởng trung bình các quốc gia thành viên ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philipinnes, Thái Lan và Việt Nam) sẽ giảm 3,4%, các quốc gia mới nổi và đang phát triển khu vực châu Á sẽ giảm 1,7%.javascript:void(0)
Trung Quốc tiếp tục là nền kinh tế lớn duy nhất có dự báo sẽ tăng trưởng, đạt mức 1,9% trong năm nay và lên đến 8,2% vào năm 2021. Ấn Độ sẽ đối mặt với đợt suy giảm mạnh nhất, giảm 10,3% trong năm nay.
Đối với Hoa Kỳ, IMF dự báo GDP năm 2020 của quốc gia này sẽ giảm 4,3%. Các nền kinh tế Pháp, Ý, Anh, Tây Ban Nha dự báo giảm khoảng 10%. Đối với châu Âu, con số này là 8,3%. Trên toàn cầu, IMF điều chỉnh dự báo GDP giảm 4,4% trong năm 2020, đến năm 2021 tăng lên 5,2%.
Theo IMF, các số liệu này dựa trên giả định các quốc gia sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đến năm 2021 và cuối năm 2022, các ca nhiễm trong cộng đồng trên toàn cầu sẽ giảm.
Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, bà Gita Gopinath nhận định: “Dự báo mức suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020 lần này không nghiêm trọng như báo cáo hồi tháng 6. Song, sẽ còn một thời gian dài đến khi đại dịch kết thúc. Các nền kinh tế trên thế giới sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức để có thể phục hồi hoạt động như giai đoạn trước đại dịch Covid-19”.